Họa sĩ Tấn Phú xuất thân trong một gia đình Nho học nghèo quê Văn Hội, huyện Ninh Giang (Hải Dương). Ông Phú có năng khiếu và đam mê vẽ từ ngày còn nhỏ. Hồi Pháp thuộc, khi đang học tiểu học ông đã có dịp được xem những truyện tranh Vá Vếu, tranh biếm về Lý Toét-Xã Xệ của Báo Ngày nay và Phong hóa. Ông tâm sự: “Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cuộc triển lãm về tội ác của thực dân phong kiến, về bài trừ mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội của những họa sĩ biếm ngày đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến nghề tay trái của tôi”. Nói là nghề tay trái bởi ông không hề qua một trường lớp học vẽ nào nhưng suốt cả những ngày học Trường Trung học Nguyễn Du ở Hải Dương ông tham gia học sinh đoàn, làm báo tường, vẽ tranh sinh hoạt nông thôn, về tiêu thổ kháng chiến, nhiều tác phẩm của ông đã được nhà trường đưa lên triển lãm ở các hội nghị văn hóa giáo dục của tỉnh và được phần thưởng. Trở về nhà, ông đã vẽ tranh bán ở chợ làng gây quỹ cho đội thiếu niên tiền phong của xã.
Tranh vui của Họa sĩ Tấn Phú. 
Năm 1949, gia đình ông tản cư lên Chiến khu Việt Bắc, rồi ông được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân, sau đó tham gia chiến đấu qua các chiến dịch Quảng Trị 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1981, ông về công tác tại Tạp chí Quốc phòng toàn dân.
Suốt cả một đời binh nghiệp, niềm đam mê vẽ tranh biếm họa đã được ông Phú lưu lại trong 5 bộ sưu tập dày cộm bọc giấy ni lông, đóng quyển cẩn thận. Mỗi bộ sưu tập được chia làm 4 thể loại: Tranh minh họa, tranh vui, tranh phê bình, tranh đả kích. Chúng tôi xem vừa thấy quen vừa thấy lạ bởi hầu hết tranh của ông đã được đăng tải trên các báo, tạp chí từ Trung ương đến địa phương. Ông kể: “Cuộc sống quân ngũ đã cho tôi những cảm xúc về người lính, đó là những bức tranh vui, phê bình nhẹ nhàng, phản ánh sinh hoạt học tập, chiến đấu của bộ đội ta. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tôi lại có những bức tranh phê phán, đả kích sâu cay tội ác của kẻ thù”. Nhưng có lẽ phong phú, đa dạng nhất là những bức tranh ông vẽ các mảng đề tài xã hội ngày nay, đấu tranh chống các tiêu cực, nhất là nạn tham nhũng, lãng phí tạo thiện cảm trong lòng người xem.
Ông Phú nhận được nhiều giải thưởng, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, nhưng có lẽ điều làm ông hạnh phúc nhất là những tác phẩm của ông cho đến nay vẫn mang hơi thở cuộc sống, được nhiều tòa soạn báo và bạn đọc cả nước đón nhận.
Theo http://www.qdnd.vn