Trung Tâm Đào Tạo Mỹ Thuật Nét Ngộ - Địa Điểm Đào Tạo Mỹ Thuật Dành Cho Thiếu Nhi, Người Lớn - Viết Thư Pháp - Thư Họa - Kí Họa - Chì Màu - Vẽ Chân Dung - Vẽ Tranh Sơn Dầu - Luyện Thi Đại Học Khối V, H...Hotline: 0902641618

TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT

A

Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Chức năng của nghệ thuật trong đời sống xã hội hiện nay

Trong đời sống kinh tế khó khăn như hiện nay, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng thể hiện rõ rệt, qua thông tin báo chí, internet ta có thể biết đến những sự xa xỉ vô độ của một số thành phần có tiền của và ngược lại nơi góc đường nào đó ta dễ dàng nhìn thấy những mảnh đời cơ cực cố gắng vươn lên để kiếm cái ăn mỗi bữa. No đủ tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là một việc không hề đơn giản ở những tầng lớp nông dân, lao động.

Kết quả hình ảnh cho Chức năng của nghệ thuật trong đời sống xã hội hiện nay
Hình minh họa

Từ nhu cầu cấp thiết cái ăn cái mặc là cái được ưu tiên hàng đầu, những cái còn lại không đáng kể và chính điều này đã vô tình hình thành một quan niệm chung: nghệ thuật, mỹ thuật là là một điều gì đó mơ hồ và xa rời thực tế, mỹ thuật là một lĩnh vực chỉ dành cho giới nghệ sĩ, mỹ thuật chỉ dành cho tầng lớp trung lưu trí thức chứ không dành cho tất cả mọi người trong xã hội . Mỹ thuật chỉ có giá trị như một bức tranh đẹp treo trên tường, mỹ thuật chỉ để ngắm nhìn, mỹ thuật không đem lại cơm no áo ấm cho những người khốn khó, mỹ thuật không có giá trị trong hoàn cảnh khó khăn....
Để khẳng định lại giá trị và chức năng của mỹ thuật là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của con người và mỹ thuật là một nhu cầu chung, tất cả mọi người đều có quyền và có khả năng tiếp cận mỹ thuật. Vì vậy, bài viết này giúp chúng ta có cái nhìn và hướng phát triển mỹ thuật cho đúng với chức năng vốn có của nó. Đồng thời, giúp sinh viên Khoa Nghệ thuật có thêm tư liệu để nghiên cứu, nhằm mở rộng kiến thức trong quá trình học tập và gia tăng thêm sự tự tin trên con đường nghệ thuật mà mình đã chọn.
Chức năng sáng tạo
Sự sáng tạo đều nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống. Với những sinh hoạt hằng ngày, với những hình ảnh, âm thanh, cử chỉ..., con người đã bắt đầu có những ý tưởng mới, những thử nghiệm mới với ước mong cuộc sống của mình ngày một hoàn hảo hơn ngày một thỏa mãn hơn.
Mỹ thuật chính là một trong những yếu tố đã tác động lên con người làm cho con người muốn lao động, muốn tìm tòi, muốn nghiên cứu, đó là hành vi của sự sáng tạo. Một người nghệ sĩ khi nghe một bản nhạc hay, khi nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật khiến mình yêu thích thì sẽ có sự rung cảm trong tâm hồn và điều này tác động ngược lại đến suy nghĩ của họ, khiến họ có thể sản sinh ra những ý tưởng mới, những sáng kiến khác biệt. Đó chính là sự sáng tạo thông qua nghệ thuật.
Hoạt động sáng tạo liên quan đến nghệ thuật nói chung hay mỹ thuật nói riêng. Đó là một hoạt động phong phú về nội dung và đề tài, đa dạng dạng về hình thức, thể loại và phong cách biểu hiện. Một số tác phẩm mới có giá trị tư tưởng và nghệ thuật được quần chúng hoan nghênh. Nhiều hình thức văn hoá truyền thống được khôi phục.
Đối với trẻ em, Mỹ thuật sẽ giúp các em phát triển nhận thức thẩm mỹ, biết cảm nhận và rung động trước cái đẹp trong nghệ thuật, cuộc sống và thiên nhiên. Ngoài ra, mỹ thuật còn giúp các em thêm tự tin, biết tìm tòi, khám phá, phát huy bộc lộ cá tính bản thân, phát triển khả năng tư duy về hình ảnh, trí tưởng tượng và sáng tạo. Sau cùng, quan trọng hơn cả là giúp các em có thêm cảm hứng, niềm tin, tình yêu đối với cuộc sống, con người và nghệ thuật, hướng tâm hồn, tình cảm của các em đến với những điều tốt đẹp, nhân bản, nhân văn.
Chức năng thưởng thức
Khi nói đến thưởng thức cần phải hiểu theo hướng: thư giãn, giải trí qua nghệ thuật. Chúng đem lại sự thoải mái, vui vẻ, hoá giải được những phiền não, căng thẳng do mưu sinh phải tập trung sức lực vào lao động chân tay và lao động trí óc, do vướng vào những hệ luỵ không mong muốn hoặc bất khả kháng từ những mối quan hệ xã hội ràng buộc... Qua đó, người ta lấy lại được sự cân bằng về tâm - sinh lý, duy trì được một sức khoẻ tâm thần cần thiết để tiếp tục tồn tại, lao động và sáng tạo, có một đời sống gia đình ổn định, hoà hợp với thiên nhiên, gắn bó chan hoà với nhân quần hướng thiện.
Thưởng thức ở đây bao gồm cả người sáng tạo lẫn người thưởng ngoạn. Người sáng tạo khi lao động nghệ thuật đến khi đạt được thành quả như mình mong muốn thì lúc này sẽ có sự hài lòng thỏa mãn và vui thích, đó chính là quá trình thưởng thức của người sáng tạo. Đối với người thưởng ngoạn thì khi xem những tác phẩm sẽ có những cảm nhận khác nhau, có những tác phẩm làm cho bản thân người xem cảm thấy phấn chấn, yêu đời, có những tác phẩm lại khơi gợi cho người xem một chút luyến tiếc một chút buồn... Và cũng có trường hợp sáng tác để giết thời gian, sáng tác để giải khuây, cuộc sống thì muôn vàn hoàn cảnh...Ta có thể thấy điều đó như sau:
Với lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhà cách mạng của dân tộc và của cách mạng vô sản, người khai sáng con đường cách mạng Việt Nam theo chủ nghĩa Mác - Lênin, từ kinh nghiệm bản thân, Người ghi nhận tác dụng tiêu khiển tích cực của sáng tạo nghệ thuật trong niềm vui và cảm hứng nghệ thuật, người sáng tạo vượt lên sự bó buộc của hoàn cảnh, những nỗi khổ cực dày vò thân xác hàng ngày để có được một chỗ dựa tinh thần, tin vào ngày mai sẽ tìm thấy tự do của cá nhân trong tự do của dân tộc. Bài thơ mở đầu tập Nhật ký trong tù (1942) có những dòng tràn đầy cảm hứng tự tin, bình thản với khát vọng cao đẹp:
"Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật
Thả ngâm thả đãi tự do thì."
Dịch:
"Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do"
Nhớ về những ngày tù tội trong nhà lao Quốc dân Đảng (Trung Quốc) và có làm thơ, Bác Hồ nói: "Mười mấy tháng bị nhốt trong cái phòng u ám và quạnh hiu, một mình một bóng, không được nói chuyện với ai, không có việc gì làm.... Để "tiêu khiển" ngày giờ, chỉ có cách nghêu ngao, vắn tắt ghi lại sinh hoạt người ở tù, cho khuây khoả thế thôi...".
Sau này, trong hoàn cảnh đất nước giành được độc lập, xây dựng và phát triển nền văn nghệ dân tộc, cho nhân dân, vì nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn lưu ý đến các khía cạnh "phong phú", "vui tươi", hấp dẫn và "bổ ích" của sáng tác văn nghệ. Người khuyên văn nghệ sĩ quan tâm đáp ứng các nhu cầu của đại chúng: "Quần chúng mong mỏi những tác phẩm có nội dung chân thực và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích"
Chức năng nhận thức
Với người nghệ sỹ, cảm xúc là một cấu tạo tâm lý xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống họ. Có thể nói rằng, khi tiếp nhận cuộc sống hiện tại, song song với quá trình thưởng thức thì cảm xúc của người nghệ sỹ cũng tuôn tràn theo.  Cảm xúc đã tác động mạnh đến tri thức của người nghệ sỹ và điều này đã hình thành nên một nhận thức nhất định.
Nghệ thuật làm lây lan sang con người nhiều cảm xúc và nghệ thuật được xây dựng trên cơ sở sự lây lan này. Tônxtôi nói: "Sự hoạt động của nghệ thuật chính là dựa trên cái khả năng những người này bị lây cảm xúc của những người khác...Những cảm xúc hết sức đa dạng, rất mạnh mẽ và yếu ớt, rất có ý nghĩa và rất nhỏ nhặt, rất xấu xa và rất tốt đẹp, chỉ cần chúng lây lan sang được độc giả, khán giả, thính giả sẽ làm nên đối tượng của nghệ thuật"
Có thể nói, lây lan là quá trình chuyển toả trạng thái cảm xúc từ cá thể này sang cá thể khác ở cấp độ tâm sinh lý, xảy ra một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, nằm ngoài những tác động qua lại ở cấp ý thức – tư tưởng. Khi con người rung động, họ trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc. Chính những cung bậc cảm xúc này, kết hợp với trình độ, sự hiểu biết của từng người mà sự nhận thức cũng có sự khác nhau.
Điều đó lý giải tại sao có người dễ dàng chấp nhận nghệ thuật chỉ là những đường nét rõ ràng hình hài cụ thể, có người lại cho rằng nghệ thuật là cái gì đó phải cao siêu và khó hiểu...Tất cả những luồng ý kiến, quan niệm đối lập nhau xảy ra là điều tất yếu vì mỗi người đều có những trình độ và khả năng nhận thức khác nhau.
Mặt khác mối quan hệ giữa nghệ thuật và đạo đức là mối quan hệ khá chặt chẽ. Bản chất nhận thức của nghệ thuật và ý nghĩa thẩm mỹ của nó có lẽ bộc lộ rõ nét nhất trong mối quan hệ nhận thức khoa học. Bởi vì, nghệ thuật có khả năng gợi mở to lớn trong việc nhận thức chân lý khoa học, nhất là khả năng tiên đoán và tính vượt trước của nghệ thuật so với thế giới hiện thực.
Chức năng giáo dục
Chức năng giáo dục của nghệ thuật trước hết là giáo dục thẩm mỹ. Đó là quá trình nâng cao năng lực thẩm mỹ của mỗi con người trong đó có việc bồi dưỡng các cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ. Xây dựng những tình cảm lành mạnh, trong sáng, mạnh mẽ để con người có thể phân biệt rạch ròi giữa cái cũ – cái mới, giữa cái xấu – cái đẹp là công việc trọng tâm của giáo dục thẩm mỹ. Vì vậy, chức năng giáo dục của nghệ thuật chủ yếu thể hiện ở những nội dung sau đây:
Giáo dục các quan điểm thẩm mỹ đúng đắn, khoa học và tiến bộ.
Giáo dục khả năng cảm thụ, đánh giá và sáng tạo nghệ thuật.
Giáo dục các xúc cảm thẩm mỹ trong sáng và tốt đẹp dựa trên hệ tiêu chí cơ bản: chân thiện mỹ.
Giáo dục các thị hiếu lành mạnh trong việc giải quyết mối quan hệ giữa thị hiếu cá nhân – xã hội.
Giáo dục lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp và lý tưởng xã hội chân chính.
Giáo dục hoàn thiện các quan hệ xã hội thông qua giáo dục chính trị – tư tưởng, đạo đức trong tình yêu, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình đồng chí, quan hệ cá nhân – tập thể – dân tộc – tổ quốc.
Chức năng thông tin
Ta đã có sự nhìn nhận nghệ thuật - mỹ thuật từ thuở sơ khai tại Việt Nam:
Những đường nét, hình khắc mặt người và thú ở hang Đồng Nội tỉnh Hòa Bình, cách đây khoảng 10000 năm cho thấy năng lực phán đoán ước lệ về tỷ lệ độ dài của con người thời xưa.
Tranh Ngũ hổ của Hàng Trống, mặc dù tất cả những màu sắc trên hổ chỉ là mang tính ước lệ nhưng nó thể hiện quan niệm, triết lý của người xưa, ẩn chứa trong những màu sắc đó là quy luật tương sinh của thuyết Âm Dương Ngũ Hành với năm mệnh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Bề mặt trống đồng Ngọc lũ với những họa tiết, hình ảnh trên mặt trống cho biết sinh hoạt thường ngày, lễ hội, tín ngưỡng... của xã hội thời bấy giờ.
Ngoài ra, trong cuộc sống hiện nay, mỹ thuật với những hình dạng, thể loại khác nhau vẫn đang ngày ngày kề cận bên con người, giúp cho con người có những thông tin một cách chính xác nhanh chóng và hiệu quả nhất, ta dễ dàng thấy một poster quảng cáo hay một bức tranh cổ động hoặc một bảng hiệu hướng dẫn ...đó chính là mỹ thuật ứng dụng đồ họa, một dạng mỹ thuật mà hầu như ai cũng biết đến.
Mỹ thuật thật gần gũi và thật dễ hiểu, mỹ thuật như một món ăn không thể thiếu của tâm hồn. Tuy nhiên với cách nhìn nhận mỹ thuật theo lối hàn lâm đã làm cho mỹ thuật trở nên đỏng đảnh kiêu sa và quyền quý. Ta không đặt mỹ thuật ở vị trí thấp nhưng ta thấy mỹ thuật là một chủ đề rộng lớn và phổ biến trong cuộc sống. Vậy nên, chúng ta những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cần có những hành động những suy nghĩ những hướng tuyên truyền phổ biến để mọi người hiểu nghệ thuật - mỹ thuật là gì. Chúng ta cần tạo ra những sân chơi, những sản phẩm nghệ thuật, những chủ đề đa dạng hơn, gần gũi hơn với cuộc sống lao động của những người dân còn khó khăn.
Mặt khác, khi tiếp thu những cái mới hay tạo ra một trào lưu mới cho mỹ thuật cũng cần xem mục đích chính của hoạt động này là gì. Không nên vinh danh sự sáng tạo để làm lu mờ đi giá trị của mỹ thuật, làm cho mỹ thuật trở nên lố bịch và phản cảm với công chúng.
Tóm lại, mỹ thuật có nhiều thể loại, nhiều cấp bậc khác nhau. Mỹ thuật có thể tiếp cận nhiều đối tượng, mỹ thuật là cuộc sống và cuộc sống thì không của riêng ai.
Theo Mỹ Thuật VN

ĐĂNG KÝ HỌC VẼ:
day-hoc-ve-hcm
HỌC VẼ HCM

TRUNG TÂM MỸ THUẬT TƯ DUY NÉT NGỘ
Trụ sở: 61 Đường D5, P. 25, Quận Bình Thạnh, TPHCM
Cơ sở 1: Số 15 Đường số 1, Phường Bình Trưng Tây , Quận 2, TPHCM
Cơ sở 2: 111 Nguyễn Thái Sơn, P.4, Quận Gò Vấp, TPHCM
Email: mythuatnetngo@gmail.com
Điện thoại: 090.264.1618

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618