Những học sinh của Lào Cai thời gian qua đã có những trải nghiệm hấp dẫn với công nghệ này và các em đã có một buổi trình diễn khá ấn tượng.
Tuần cuối của tháng 11, gần 20 tác phẩm sống động thể hiện theo các hình thức sáng tạo poster, logo, hình minh họa trên áo phông, cốc sứ, tranh in… hầu hết là về đề tài miền núi, do các học sinh của tỉnh Lào Cai vẽ bằng công nghệ AI ra mắt công chúng tại Thủ đô Hà Nội. Những hình ảnh rất đỗi thân thương, gần gũi, như: Mẹ ngồi dệt vải, chị địu em trên lưng, ruộng bậc thang mùa lúa chín, lớp học… qua công nghệ AI đã tô điểm nhiều sắc màu cho cuộc sống người dân vùng cao, khiến người xem trầm trồ trước sự sáng tạo của các bạn học sinh THCS và THPT. Đây là những tác phẩm được nhiều bạn học sinh thực hiện sau thời gian học cùng các chuyên gia Hàn Quốc, thông qua Dự án “ODA giáo dục văn hóa nghệ thuật” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc chủ trì, Viện Phát triển đào tạo văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc phối hợp với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc thực hiện tại Việt Nam từ năm 2013 đến 2018. Tại Lào Cai, dự án đã tiến hành hỗ trợ triển khai dạy nhiếp ảnh, mỹ thuật thị giác, múa, diễn kịch; đồng thời triển khai Chương trình “Phổ cập kỹ thuật số” trong giảng dạy văn hóa nghệ thuật, vận dụng các công cụ kỹ thuật số để sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt, đối với trường hợp chương trình phổ cập kỹ thuật số, các giáo viên người Hàn Quốc đã triển khai đào tạo từ xa sau khi tiến hành giảng dạy cơ bản tại địa phương, hỗ trợ học viên có thể tự tiếp tục công việc học tập một cách độc lập, liên tục.
 Tác phẩm mỹ thuật “Thiếu nữ Sa Pa” của học sinh Bùi Thị Minh Hạnh trưng bày tại lễ tổng kết dự án.
Lễ tổng kết dự án lần này được tổ chức tại Hà Nội với mục đích triển lãm kết quả đào tạo phổ cập kỹ thuật số dành cho các học sinh ở khu vực Lào Cai. Đồng thời, giới thiệu quảng bá mô hình đào tạo này với khán giả Hà Nội, kết hợp tổ chức trải nghiệm để khán giả có cơ hội trải nghiệm nhiều phương pháp đào tạo mới, kết hợp giữa biểu diễn với các tác phẩm được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo. Có mặt trong buổi trình diễn các tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật thông qua công nghệ kỹ thuật số, học sinh Bùi Thị Minh Hạnh (Lào Cai) chia sẻ, trước đây, em chưa từng được tiếp cận với mỹ thuật, rất ít cơ hội sử dụng máy vi tính hoặc các máy móc công nghệ hiện đại. Khi được các chuyên gia Hàn Quốc tới địa phương hướng dẫn và cung cấp nhiều thiết bị, học sinh đã rất hào hứng vào cuộc. Những buổi trực tiếp đi trải nghiệm để tiếp cận hình ảnh, đời sống của người dân cũng tạo điều kiện cho những học sinh như Minh Hạnh hiểu biết thêm về văn hóa nghệ thuật của quê hương mình, mở ra nhiều ý tưởng, định hướng nghề nghiệp cho tương lai.
Bà Kim Myo Eun, Giám đốc dự án cho biết, nếu biết cách vận dụng các công cụ kỹ thuật số, mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận với văn hóa nghệ thuật ngay cả ở các vùng miền xa xôi, khó tiếp cận văn hóa. Với dự án ODA giáo dục văn hóa nghệ thuật trong thời đại kỹ thuật số, tới đây Viện Phát triển Giáo dục văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc sẽ tiếp tục cố gắng để có thêm nhiều thanh thiếu niên Việt Nam có cơ hội phát triển song hành với văn hóa nghệ thuật, tận hưởng cuộc sống hạnh phúc hơn.