Trung Tâm Đào Tạo Mỹ Thuật Nét Ngộ - Địa Điểm Đào Tạo Mỹ Thuật Dành Cho Thiếu Nhi, Người Lớn - Viết Thư Pháp - Thư Họa - Kí Họa - Chì Màu - Vẽ Chân Dung - Vẽ Tranh Sơn Dầu - Luyện Thi Đại Học Khối V, H...Hotline: 0902641618

TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT

A

Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Thế giới tuổi thơ trong tranh Mai Trung Thứ

Mai Trung Thứ (Mai Thứ) là một họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Ông là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên  Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930). Ông sang Pháp năm 1937 và hoạt động nghệ thuật tại đây cho đến khi qua đời. Tranh lụa Mai Trung Thứ với những góc nhìn mang đậm màu sắc văn hóa Á Đông, không chỉ được người Pháp yêu quý mà còn được cơ quan UNESCO của tổ chức Liên Hiệp quốc chọn như một biểu tượng nghệ thuật của tình yêu dành cho trẻ em trên toàn thế giới.
Từ những năm đầu theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Mai Trung Thứ theo đuổi chất liệu tranh sơn dầu vẽ cảnh sinh hoạt nông thôn Việt Nam, về sau ông chuyển sang vẽ tranh lụa, chất liệu tranh đã tạo nên tên tuổi ông sau này. Năm 1930, sau khi tốt nghiệp, Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Nơi đây, hàng loạt các tác phẩm lụa của ông ra đời mang đậm phong cách con người và không gian xứ Huế. Cũng trong thời điểm này, cùng với một số họa sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới... Sau khi tham gia Hội chợ đấu xảo Paris năm 1936, Mai Trung Thứ quyết định ở lại sống và hoạt động nghệ thuật tại thành phố Paris, nơi hội tụ các danh họa bậc thầy của thế giới lúc đó. Suốt mấy chục năm sống và làm việc tại thủ đô nước Pháp, ông chủ yếu vẽ bằng ký ức về đề tài thiếu nữ, trẻ em Việt Nam, khung cảnh Việt Nam, những mái lá hay đền đài...
Những năm gần đây, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm ở Hồng Kông, đại diện nhà bán đấu giá Sotheby's đã tổ chức các phiên bán đấu giá những tác phẩm hội họa hiện đại và đương đại Đông Nam Á gồm tác phẩm của nhiều họa sĩ Việt Nam. Trong số này có nhiều bức tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ về đề tài phụ nữ và trẻ em đạt giá kỷ lục. Cụ thể như các tác phẩm: Mẹ và em bé (tranh bột màu và mực trên lụa, 53x64 cm), được bán với giá 475 ngàn đô la Hồng Kông (khoảng 1,3 tỷ đồng); Mẹ và em bé đang ngủ (bột màu và mực trên lụa, 15x11cm) với giá 150 ngàn đô la Hồng Kông (khoảng 409 triệu đồng); Đọc sách (bột màu trên lụa), đạt giá 325 ngàn đô la Hồng Kông (khoảng 886 triệu đồng)… Họa sĩ Đinh Cường trong tập sách “Đi vào cõi tạo hình” ấn hành trước lúc qua đời đã dành một chương viết về họa sĩ Mai Thứ, có đoạn: “Tranh lụa Mai Thứ là những nét chắt lọc, qua suy nghiệm để đi đến một sự thanh thoát, vẽ như hư không. Những gam màu lục biếc của ông đầy chất thơ tuyệt diệu. Đặc biệt vẽ về trẻ thơ. Năm 1964 ông đã triển lãm tại Galerie du Péristyle phòng tranh mang tên “Les enfants de Mai Thu” được rất nhiều người hoan nghênh và ngưỡng mộ. Nhiều nhà xuất bản đã mua bản quyền để in thiệp và in tranh lại”. Họa sĩ Đinh Cường nhấn mạnh: “Xem lại thế giới trẻ thơ trong tranh Mai Thứ là một niềm vui, một hạnh phúc. Ở đó ta thấy hình ảnh mẹ mặc áo mới cho con, cùng đưa con đi chùa. Những nén hương và những quả phẩm. Cả những trò chơi của trẻ em cũng được ông bố cục lên tranh theo một không gian thật mới, thật thanh thoát. Tấm thiệp Cung Chúc Tân Xuân với tranh Mẹ dạy thêu thùa của ông do UNICEF in để bán giúp cho Hội những trẻ em trên thế giới ông tặng khi từ Paris ghé về thăm trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1960 tôi còn giữ cho đến nay...”.
Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Hải Yến cũng có những nhận định đáng chú ý về Mai Thứ: “Chủ đề trẻ em của Mai Thứ triển lãm vào năm 1964: những em bé Việt Nam trong trang phục lễ tết năm mới, em trai, em gái đều mặc áo dài gấm hoa cổ truyền, trịnh trọng, em gái tóc Nhật Bản ôm lấy khuôn mặt tròn trĩnh ngây thơ. Cũng phải nói thêm là các em gái Việt Nam tuổi thơ của mình đều thừa hưởng một kiểu tóc Nhật Bản vừa giản dị, vừa ngây thơ trong sáng. Hình ảnh các em bé đó trên tranh Mai Thứ có rất nhiều nhưng không dễ dãi. Tác phẩm thể hiện trên nền lụa một phong cách hội họa khác biệt, không ồn ào, vội vã, đường nét từ tốn, vờn khối nhẹ nhàng, ấm áp, hương vị Châu Á. Hình ảnh chị cõng em trên bức lụa Cơn gió thấp thoáng ánh sáng trang trí hội họa Nhật Bản. Đó là những nét tinh tế, dù vẽ trên lụa nhưng Mai Thứ tránh độ nhòe mờ của hội họa Trung Hoa mà rất chú trọng đến nét vẽ. Sự phô diễn những nét thanh mảnh kĩ càng, tỉ mỉ đã tạo một phong cách riêng, rất khó lẫn với người khác, làm nên danh tiếng của ông những năm ở Pháp”.
Tranh “Chị em”.
"Mẹ và em bé đang ngủ".
“Mẹ dạy thêu thùa”.
Trong bài trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê cho đài RFI (Pháp), họa sĩ Lê Phổ - người bạn đồng niên đồng khóa của Mai Trung Thứ đã khẳng định: “Người vẽ đẹp nhất ở khóa chúng tôi, đó là họa sĩ Mai Trung Thứ”. Thế nhưng, các tác phẩm Mai Thứ chủ yếu được biết đến ở nước ngoài nhiều hơn là ở Việt Nam. Nguyên nhân có thể do phần lớn cuộc đời ông trôi qua tương đối lặng lẽ trong những năm tháng sống và sáng tác chủ yếu trong căn hộ ở ngoại ô thủ đô Paris, hoặc do hoạt động quảng bá mỹ thuật của nước ta từ nhiều thập niên trước vẫn còn lẩn quẩn ở sân nhà. Năm 1974 là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, Mai Trung Thứ có dịp về thăm đất mẹ sau gần 40 năm xa quê hương. Trước lúc qua đời vào năm 1980, ông đã có dịp thố lộ tâm sự của mình trong một triển lãm có chủ đề “Thế giới thơ của Mai Thứ - 1980”. Nhiều người cho rằng, Triển lãm này như một bản di chúc, một lời tự bạch sáng sủa, đằm thắm về con đường đến nghệ thuật của ông. Nơi đây, Mai Thứ thể hiện mình đã tìm về phương Đông, trên những tác phẩm có xu hướng Á Đông luôn gắn bó thể hiện. Đó là những nét gió rất nhẹ, những đường như sóng gợn, cảm nhận từ âm nhạc với nhạc cụ quen thuộc ông đã chơi từ những năm ở Hà Nội: Đàn thập lục đã đưa bảng màu quyến rũ của ông đến với những cung bậc khác nhau chan chứa vẻ tế nhị, quyến rũ. Với màu sắc vui tươi, chói lọi, yêu đời, nhân vật trong tranh Mai Thứ tràn đầy sức sống đầm ấm trong từng bố cục. Chị cõng em với đôi mắt mở to trong sáng hồn nhiên, bà mẹ ôm con trìu mến, đứa trẻ đang ngủ với gương mặt thiên thần, những đêm hè tĩnh mịch, những nụ cười, nụ hôn, những nghệ sĩ chơi đàn và sáo…
Hiện nay, trong nền nghệ thuật tạo hình cận hiện đại Việt Nam, nhắc đến tác phẩm của Mai Trung Thứ,  bên cạnh những chân dung thiếu nữ với đôi mắt mơ mộng xa xôi, ít có ai tạo được một thế giới sống động làm gợi nhớ một quê hương Việt Nam thanh bình với bao ký ức của một tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo.

http://cadn.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618